Tiểu đường là bệnh rối loạn chuyển hóa, ảnh hưởng lượng glucose trong máu. Người mắc tiểu đường cần chú ý chế độ ăn uống bởi nó là chìa khóa giúp bệnh nhân giảm biến chứng về tim, thận, mắt…Tuy nhiên, nó cũng có thể trở thành “sát thủ” với sức khỏe của người mắc tiểu đường.
gười mắc tiểu đường có thể ăn hầu hết loại thực phẩm. Một số nhóm thực phẩm bệnh nhân nên ăn với lượng rất ít và phải kiểm soát. Dưới đây là những thực phẩm mà bệnh nhân tiểu đường nên tránh.
Carbohydrate
Đây là nguồn cấp năng lượng quan trọng, tuy nhiên, bệnh nhân tiểu đường cần chú ý chọn ăn loại carb có lợi với khẩu phần hợp lý. Trong thực phẩm, 3 loại carbohydrate chính bao gồm tinh bột, đường và chất xơ.
Carbohydrate ảnh hưởng trực tiếp lượng glucose trong máu. Cơ thể phá vỡ tinh bột và đường, giải phóng glucose. Các hướng dẫn chế độ ăn uống của người Mỹ từ năm 2015 đến 2020 khuyên chúng ta chỉ nên tiêu thụ tối đa 130 gram carbohydrate mỗi ngày. Trong đó, 22,4-33,6 gram nên là chất xơ.
Các chuyên gia dinh dưỡng cũng khuyên bệnh nhân tiểu đường tránh những loại carbohydrate như bánh nướng, bánh mì (làm bằng bột mì trắng), bánh ngô, bánh ngọt, kẹo, ngũ cốc bỏ hạt…
Thay vì những thực phẩm trên, bệnh nhân mắc tiểu đường nên chọn những loại thực phẩm, ngũ cốc nguyên hạt tốt cho sức khỏe như gạo lứt, lúa mạch, yến mạch, kê… Cơ thể chúng ta không hấp thụ toàn bộ carbs từ ngũ cốc nguyên hạt. Vì thế, chúng ít có khả năng khiến lượng đường trong máu tăng đột biến.
Soda và đồ uống có đường
Đây là kẻ thù cần loại bỏ trong danh sách ăn uống của bệnh nhân mắc tiểu đường. Đồ uống như nước ngọt, nước có gas giàu carbs. Một lon coca 354 ml chứa 38,5 gram carbs. Ngoài ra, những thức uống này còn chứa nhiều đường fructose, liên quan tình trạng kháng insulin. Các nghiên cứu đã chỉ ra tiêu thụ đồ uống có đường làm tăng nguy cơ mắc các bệnh khác như gan nhiễm mỡ, béo phì.
Lượng đường fructose cao cũng có thể dẫn đến thay đổi trao đổi chất, đẩy nhanh quá trình tích mỡ bụng, tăng cholesterol và triglyceride có hại.
Chất béo chuyển hóa và bão hòa
Chất béo là nguồn cấp axit béo thiết yếu như omega-3 và không thể thiếu trong một bữa ăn cân bằng, lành mạnh. Chất béo cũng giúp cơ thể hấp thụ vitamin A, D, E và K. Tuy nhiên, bệnh nhân tiểu đường cần lựa chọn loại chất béo phù hợp.
Trong đó, chất béo chuyển hóa và chất béo không bão hòa là hai loại người mắc tiểu đường cần tránh xa. Các chất béo chuyển hóa nhân tạo được sản xuất bằng cách thêm hydro vào các axit béo không bão hòa. Chúng thường được tìm thấy ở bơ thực vật, bánh phết, bữa ăn đông lạnh. Chúng cũng được thêm vào bánh quy, bánh nướng để kéo dài thời gian sử dụng của sản phẩm.
Chất béo chuyển hóa không trực tiếp làm tăng lượng đường trong máu. Tuy nhiên, chúng có liên quan việc tăng chứng viêm, kháng insulin và tích mỡ bụng, suy giảm chức năng động mạch.
Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) đã cấm sử dụng chất béo chuyển hóa nhân tạo vào năm 2018. Tuy nhiên, điều đó không đồng nghĩa mọi thực phẩm không chứa loại chất có hại này. Nếu sản phẩm chứa dưới 0,5 gram chất béo chuyển hóa, nhà sản xuất không cần liệt kê nó vào nhãn thông tin dinh dưỡng.
Những thực phẩm chứa chất béo bệnh nhân tiểu đường không nên ăn hoặc hạn chế bao gồm bơ, mỡ lợn, dầu cọ, nước sốt làm từ kem, mayonnaise, khoai tây chiên, thực phẩm tẩm bột, đồ ăn nhanh, bánh mì kẹp thịt…
Chúng ta có thể bổ sung chất béo cho cơ thể bằng các loại dầu không bão hòa như ô liu, hướng dương, hạt cải. Cá hồi, trái bơ, quả hạch cũng là thực phẩm bệnh nhân mắc tiểu đường nên ăn.
Rau củ và trái cây
Rau củ quả cung cấp chất xơ, vitamin và khoáng chất. Nó giúp chúng ta kiểm soát lượng glucose trong máu, giảm nguy cơ đột quỵ, tim mạch, ung thư và một số bệnh mạn tính khác.
Tuy nhiên, một số loại trái cây chứa nhiều đường khiến lượng glucose trong máu tăng lên. Cách chế biến và ăn rau củ quả cũng cần được lưu tâm.
Bệnh nhân tiểu đường nên tránh những thực phẩm thuộc nhóm rau củ quả sau đây:
Nước ép trái cây: Ngay cả khi chúng ta sử dụng trái cây tươi, nước ép cũng là tác nhân làm tăng lượng đường trong máu so với ăn nguyên quả. Bởi nước ép loại bỏ và phá vỡ chất xơ trong các quả. Nhiều người có thói quen bỏ thêm đường cho dễ uống vô tình làm nước ép trái cây trở thành kẻ thù với bệnh nhân rối loạn chuyển hóa glucose.
Trái cây sấy khô: Loại thực phẩm này cũng không ngoại lệ. Trái cây sấy khô đã trải qua quá trình chế biến, chứa nhiều đường hóa học. Mứt, thạch cũng là thực phẩm mà bệnh nhân tiểu đường không nên ăn.
Rau củ muối: Những người bị huyết áp cao cũng nên cảnh giác với lượng natri và muối trong thực phẩm. Dưa, rau củ muối, đóng hộp chứa nhiều natri, tăng nguy cơ gây biến chứng tim mạch. Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ khuyến cáo mọi người tuyệt đối không ăn quá 2.300 miligram natri mỗi ngày.
Nguồn: copy